Công nghệ DLP, LCD và LCoS trên máy chiếu

Đăng lúc: 16/05/2013 20:50




Cũng giống như HDTV, những chiếc máy chiếu hiện nay có mức giá cực kỳ hấp dẫn so với những gì mà bạn có thể nhận được. Có 3 loại công nghệ thường được sử dụng cho máy chiếu là DLP, LCD và LCoS. Cả 3 đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Để rõ hơn, dưới đây sẽ là những so sánh cơ bản.


Khái niệm

DLP là từ viết tắt của Digital Light Processing - xử lý ánh sáng kỹ thuật số. Công nghệ này sử dụng một hệ thống vi gương siêu nhỏ (micromirror) để hắt ánh sáng lên màn chiếu. Những vi gương này được lập trình để có thể hắt ánh sáng về phía màn hình (trạng thái ON) hoặc theo hắt ánh sáng ra hướng khác (trạng thái OFF). Các trạng thái ON hoặc OFF của mỗi vi gương sẽ tạo ra một điểm ảnh sáng hoặc tối trên màn hình, và mỗi vi gương có thể chuyển trạng thái ON/OFF lên đến 10 ngàn lần mỗi giây.

Để tạo ra màu sắc liên tục, hệ thống DLP phải sử dụng đến bánh xe 3 màu. Một số model cao cấp sẽ được trang bị tới 3 chip DLP để xử lý riêng rẽ cho màu đỏ, màu xanh lá và xanh dương. Mức giá máy chiếu DLP hiện nay giao động từ vài trăm đến vài chục ngàn USD, thậm chí là cao hơn nữa. Hầu hết các máy chiếu sử dụng trong rạp chiếu phim hiện nay đều là DLP. Một số thương hiệu nổi tiếng đang sử dụng công nghệ DLP là Optoma, BenQ, Mitsubishi...



LCD là từ viết tắt của Liquid Crystal Display - công nghệ hiển thị tinh thể lỏng. Về cơ bản, công nghệ LCD trên máy chiếu khá giống với công nghệ trên TV LCD. Mỗi chiếc máy chiếu LCD sẽ sử dụng 3 tấm nền LCD, trong đó mỗi tấm sẽ đảm nhận tái tạo một trong 3 màu sắc cơ bản là đỏ, xanh lá cây và xanh dương. Ánh sáng từ cả 3 tấm nền sẽ được chiếu lên màn hình cùng 1 lúc để tạo ra một hình ảnh hoàn chỉnh.

Những chiếc máy chiếu LCD hiện nay có giá từ vài trăm đến vài ngàn USD, và được sản xuất bởi Epson, Pansonic....



LCoS là từ viết tắt của Liquid Crystal on Silicon - tinh thể lỏng trên silicon, và là công nghệ lai giữa LCD và DLP. Loại máy chiếu này sử dụng chip tinh thể lỏng với hệ thống vi gương, hay nói cách khác, ánh sáng được phát ra từ tấm nền LCD sau đó được phản xạ trên gương giống như DLP.

Hầu hết các máy chiếu LCoS hiện nay đều được sản xuất bởi Sony và JVC. Sony gọi công nghệ LCoS của hãng là SXRD, còn JVC lại gọi là D-ILA. Mức giá của chúng giao động từ vài ngàn hoặc vài chục ngàn USD.



So sánh

Độ tương phản: DLP < LCD < LCoS

Độ tương phản là yếu tố quyết định đến chất lượng hình ảnh. Ở khía cạnh này, máy chiếu D-ILA của JVC thường được đánh giá cao nhất, thậm chí cao hơn cả máy chiếu SXRD của Sony (xếp ở vị trí thứ 2).

Máy chiếu DLP trong nhiều năm qua không có nhiều thay đổi về độ tương phản, và vẫn phải chịu thua LCD, vốn đã được các hãng cải tiến một cách rõ rệt.


Độ sâu màu đen: DLP < LCD < LCoS

Độ sâu màu đen là một phần của độ tương phản, và giống như độ tương phản, máy chiếu DLP có độ sâu màu đen thấp nhất, sau đó đến LCD, và cuối cùng là LCoS. Điều này có thể được kiểm chức với các model máy chiếu của JVC và Sony với màu đen rất sâu và màu trắng rất sáng.


Độ sáng (brightness): LCoS < LCD = DLP

Những chiếc máy chiếu thường có độ sáng rất khác nhau và đây là tiêu chí lựa chọn quan trọng của nhiều người. Nhìn chung, máy chiếu LCoS thường không được sáng như máy chiếu LCD hay DLP. Mặc dù gần đây các model LCoS đã được cải thiện với độ sáng cao, tuy nhiên nếu xét dựa trên toàn bộ số lượng thì LCD và DLP vẫn vượt trội.


Độ chính xác màu sắc: "hên xui"

Về lý thuyết, tất cả các công nghệ máy chiếu đều có thể cho ra màu sắc cực kỳ chính xác. Trong thực tế, chúng ta cần những đánh giá khách quan và khoa học để nói rằng máy chiếu này tái tạo màu sắc tốt hơn máy chiếu kia.

Hiện tượng bóng mờ (Motion Blur): LCD = LCoS < DLP

Motion Blur hay hiện tượng bóng mờ là một vấn đề thực sự của công nghệ LCD và LCoS. Mặc dù thông thường một số người dùng không cảm thấy khó chịu hay khác biệt về Motion Blur, nhưng khi đặt các cạnh nhau, máy chiếu DLP thực sự trình diễn cách cảnh chuyển động tốt hơn so với máy chiếu LCD và LCoS. 


Hiện tượng "cầu vồng": DLP đơn chip < LCD = LCoS = DLP 3 chip cao cấp 

"Cầu vồng" là hiện tượng thường xuất hiện trong các cảnh có các đối tượng sáng (đặc biệt là ở trên nền tối) với dải màu bị phân cấp ra thành nhiều màu khác nhau. Các máy chiếu DLP 3 chip cao cấp đắt tiền hoặc LCD và LCoS đều không có hiện tượng cầu vồng.

Thông thường, máy chiếu DLP đơn chip sẽ bị dính cầu vồng. Tuy nhiên vấn đề là bộ não của con người có thực sự đủ nhanh để nhìn thấy hiện tượng này hay không? Trong trường hợp đó, chúng ta có thể phân ra 3 loại người xem như sau:


  • Loại 1: hiện tượng cầu vồng có thể nhìn thấy và là một vấn đề cần giải quyết.
  • Loại 2: hiện tượng cầu vồng có thể nhìn thấy, nhưng họ không bận tâm lắm.
  • Loại 3: không nhìn thấy hiện tượng tượng cầu vồng.


Hầu hết mọi người đều rơi vào trường hợp thứ 2 hoặc thứ 3, tuy nhiên một số videophile lại rơi vào trường hợp 1 - và nếu bạn ở trong số đó, đừng bao giờ lựa chọn máy chiếu DLP đơn chip.


Độ hội tụ (convergence): DLP 3 chip = LCD = LCoS < DLP đơn chip

Các con chip dùng để tạo ra hình ảnh ở trong máy chiếu có kích thước rất nhỏ, và một vài sự chênh lệch rất nhỏ giữa các con chip cũng có thể được hiển thị ở trên màn chiếu. Hiện tượng thường thấy đó là các đối tượng trên hình ảnh sẽ bị dính viền trắng hoặc tệ hơn là quầng trắng. Hầu hết những model DLP 3 chip đều có chức năng tinh chỉnh độ hội tụ, nhưng tính năng này cũng không thể loại bỏ hết các hiện tượng trên.

Máy chiếu DLP đơn chip thường không có vấn đề về độ hội tụ, lý do rất đơn giản, bởi chúng chỉ sử dụng 1 chip duy nhất.



Kết luận

Một chiếc máy chiếu tốt hay dở không thể quyết định được ở công nghệ. Điểm yếu và điểm mạnh của chúng chỉ mang tính chất tham khảo cho tất cả mọi người, và không phải lúc nào chúng cũng thể hiện rõ trong quá trình sử dụng.


Theo CNET

Các bài khác: